Quá trình bảo quản các mô sinh học trong dung dịch luôn xảy ra hiện tượng trao đổi chất giữa mô với dung dịch bảo quản (DDBQ). Việc xác định quá trình động học canxi, phosphat trong dung dịch, xác định điểm cân bằng và dự đoán mức độ thoát chất để đề xuất biện pháp bổ sung nồng độ khoáng vào DDBQ giúp hạn chế quá trình khử khoáng có ý nghĩa quan trọng giúp bảo tồn nguyên vẹn thành phần cấu trúc mô sinh học. Đề tài “Nghiên cứu nồng độ cân bằng khoáng của DDBQ mẫu mô sinh học” được thực hiện với mục tiêu: “Xây dựng mô hình thực nghiệm” và “xác định nồng độ cân bằng của canxi, phosphat trong DDBQ mẫu mô sinh học theo mô hình thực nghiệm”. Đối tượng, phương pháp: 18 mẫu mô cơ kích thước 2x2x0,5 cm, 18 mẫu xương xốp và 18 mẫu xương đặc đã loại bỏ màng xương, ngâm trong DDBQ và DDBQ có bổ sung thêm chất khoáng với nồng độ xác định. Các mẫu chia thành 2 lô bảo quản ở 2 mức nhiệt là 160 C và 370C. Sau mỗi 2-4 tháng định lượng nồng độ canxi, phosphat trong các DDBQ mẫu. Kết quả: Xác định được nồng độ khoáng ban đầu phù hợp để bổ sung cho mô hình với can xi là 30,21 và phosphat là 76,29 mg/l. Bảo quản mẫu và bổ sung khoáng sau 27 tháng cho thấy thành phần chất cơ bản và một số tính chất hóa lý của dung dịch thay đổi không đáng kể, chất lượng của dung dịch đảm bảo để tiến hành thí nghiệm. Nồng độ cân bằng của canxi và phosphat trong DDBQ lần lượt là: 43±0,5 mg/l và 135±0,5 mg/l. Kết luận: Đã xây dựng được mô hình thí nghiệm dài kỳ để đánh giá nồng độ cân bằng của canxi, phosphat trong DDBQ. Với nồng độ chất khoáng trong dung dịch ở điểm cân bằng, không làm thay đổi tính chất thành phần DDBQ, đồng thời làm giảm mức độ khử khoáng từ mô bảo quản vào dung dịch.