Trong công tác thi công các đường hầm hay công trình ngầm qua các khối đá nứt nẻ ở độ sâu không lớn, xuất hiện các dạng phá hủy phổ biến nhất là phá hủy dạng cấu trúc liên quan đến các khối nêm rơi từ nóc hoặc trượt ra khỏi thành bên của khoảng trống công trình ngầm. Các khối nêm này được hình thành do các đặc điểm cấu trúc của khối đá, từ các hệ khe nứt giao cắt nhau và với biên đào khoảng trống công trình ngầm. Khi một mặt thoáng tự do được tạo ra bằng cách thi công khoảng trống công trình ngầm thì phần ngăn cản sự dịch chuyển khối nêm đã bị loại bỏ, lúc này một hay nhiều khối nêm có thể rơi hoặc trượt vào khoảng trống cõng trình ngầm. Khi đó, cần thiết phải thực hiện các phương pháp nghiên cứu xác định vị trí, mức độ ổn định của các khối nêm. Từ các thông số cấu trúc khối đá và thông số kỹ thuật của công trình ngầm cho phép xác định được vị trí, hình dạng và kích thước của các khối nêm mất ổn định hình thành xung quanh vùng chống công trình ngầm. Từ đó, cho phép tính toán thiết kế kết cấu chống giữ cần thiết như vì neo để nâng cao độ ổn định các khối nêm nhằm đảm bảo hệ số an toàn cho các khối nêm. Bài báo sử dụng phương pháp mô phỏng số bằng phần mềm địa kỹ thuật Rocscience-Unwedge 3.0 để phân tích ảnh hường của các thông số cấu trúc khối đá đến độ ổn định của khối nêm khi sử dụng phương pháp chống giữ vì neo. Nghiên cứu này cho thấy các thông số cấu trúc khối đá rất cần thiết cho công tác tối ưu hóa thiết kế kết cấu chống giữ.