Từ giữa thế kỷ XVI, cùng với quá trình xác lập quyền lực ở vùng đất phía nam dãy “Hoàng Sơn”, chính quyền chúa Nguyễn đã thực thi chính sách đối ngoại rộng mở với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh việc duy trì quan hệ bang giao truyền thống với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á láng giềng, chính quyền Đàng Trong cũng mở rộng quan hệ bang giao trên cả hai khía cạnh thương mại và truyền giáo đối với các quốc gia phương Tây. Do đó, trong phạm vi của bài nghiên cứu, chúng tôi tập trung phân tích những nhận thức và hành động của chúa Nguyễn trong việc bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia cũng như xác lập quyền lực thống trị của dòng họ ở Đàng Trong trong bối cảnh khu vực và quốc tế có nhiều biến động sâu sắc. Bài viết đặc biệt tập trung vào nghiên cứu phản ứng của chính quyền Đàng Trong trong quan hệ bang giao với Trung Quốc, các nước Đông Nam Á (chủ yếu là Xiêm, Vạn Tượng và Chân Lạp) và các quốc gia phương Tây cho đến nửa cuối thế kỷ XVIII. Để thực hiện mục tiêu trên, bài nghiên cứu sử dụng chủ yếu phương pháp lịch sử, logic kết hợp với phương pháp hệ thống cấu trúc dựa trên các nguồn tài liệu liên quan.