Văn hóa đọc là một hình thái văn hóa phổ biến trên toàn thế giới, có truyền thống lâu đời và được kể thừa, phát triển trong thời kỳ đương đại. Phát triển văn hoá đọc đáp ứng yêu cầu xây dựng con người và đất nước Việt Nam trong bối cảnh hiện nay là nhiệm vụ quan trọng của toàn xã hội. Bài viết này bàn về cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần thúc đẩy văn hoá đọc, tạo nền tảng vững chắc cho việc triển khai chương trình hành động trong thực tiễn. Các hoạt động phong phú như Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam, hội sách trực tiếp và trực tuyến, cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc, giải thưởng sách Quốc gia... và sự nỗ lực của ngành xuất bản, thư viện, các cơ quan ban ngành, tổ chức xã hội đã và đang góp phần nâng cao nhận thức về giá trị của sách, khơi dậy nhu cầu đọc sách ở các tầng lớp nhân dân, định hình thói quen, bồi dưỡng kỹ năng đọc để độc giả ngày càng yêu mến và đọc nhiều sách hơn. Đó là yếu tố cốt lõi của sự phát triển văn hoá đọc cũng như sự thay đổi tầm vóc của hoạt động xuất bản.