Các dịch chiết từ cây dược liệu chứa nhiều hoạt tính sinh học quý, có tác dụng chữa bệnh. Để làm cơ sở cho việc khai thác và sử dụng chúng cần nghiên cứu đầy đủ về hoạt tính và cơ chế tác động. Trong nghiên cứu này, hoạt tính gây độc tế bào và chống oxy hóa thông qua tác dụng triệt tiêu gốc tự do của các dịch chiết methanol và hexane của 9 loài thực vật ở Việt Nam đã được nghiên cứu in vitro trên dòng tế bào keratinocyte HaCaT. Kết quả thu được cho thấy, các dịch chiết thực vật đều có có tác dụng gây độc tế bào HaCaT. Các dịch chiết hexane có độc tính tế bào cao hơn so với dịch chiết methanol (MeOH), trong đó dịch chiết Garcinia mangostana có độc tính tế bào mạnh nhất với giá trị IC50 đạt 14,42 g/ml (hexane) và 14,27 g/ml (MeOH). Tất cả các dịch chiết từ thực vật được thử nghiệm đều dẫn đến việc tạo ra các gốc oxy nội bào trong tế bào HaCaT, là một trong những nguyên nhân gây độc tế bào. Dịch chiết từ Mangifera indica, Cleistocalyx operculatus và Terminalia catappa có hoạt tính triệt tiêu gốc tự do DPPH cao nhất với giá trị EC50 đạt tương ứng 23 g/ml
27,4 g/ml và 23,73 g/ml. Ngoài ra, dịch chiết của 2 loài G. mangostana và T. catappa còn có khả năng triệt tiêu gốc oxy hoạt động nội sinh (iROS). Tất cả các dịch chiết từ thực vật đều làm giảm đáng kể số lượng tế bào trong pha G1 và do đó, làm tăng số lượng tế bào trong các pha S và G2/M. Các số liệu thu được là cơ sở để tiếp tục các nghiên cứu sâu hơn về cơ chế tác dụng và ứng dụng của các thực vật này.