Thủy điện Lai Châu là công trình trọng điểm quốc gia Việt Nam, có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù vậy, việc xây dựng thủy điện có nguy cơ gây tuyệt chủng nhiều nguồn gen quý, hiếm, đặc hữu. Vì vậy, nghiên cứu khảo sát sự phân bố các nguồn gen bản địa nông lâm nghiệp và cây thuốc tại 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã được thực hiện. Kết quả phát hiện, có tới 100 loài có mặt là những cây trồng nông nghiệp có giá trị trong đời sống của đồng bào nơi đây, nguồn gen rau 38 loài, nguồn gen cây có củ 22 loài, nguồn gen đậu 17 loài, nguồn gen hòa thảo 6 loài và nguồn gen cây khác là 17 loài. Nghiên cứu cũng khảo sát và tìm thấy có 20 loài cây lâm nghiệp và 562 loài cây thuốc. Sự phân bố của các loài là không đồng đều và phụ thuộc vào địa hình, khí hậu thổ nhưỡng và tập quán canh tác của các đồng bao dân tộc ở đây. Tại 2 tỉnh Lai Châu và Điện Biên đã phát hiện được số lượng nguồn gen cây trồng đặc sản quý hiếm đặc hữu của Việt Nam lần lượt là 7 và 5. Cụ thể gồm những nguồn gen lần lượt là Rau dớn, Gạo dâu, Rêu đá, Cây lá đắng, Hà Thủ ô đỏ, Cây thảo quả, Dưa mèo, Rau hoa ban, Táo mèo, Đào rừng, Cải mèo, nếp Điện Biên, Tám Điện Biên với đầy đủ đặc điểm và hiện trạng phân bố. Những nguồn gen này đã và sẽ bảo tồn tại chỗ, vườn gia đình, nhằm duy trì và phát triển hơn nữa các nguồn gen giá trị này.