Nghiên cứu được thực hiện trên 232 khách thể là học sinh trung học cơ sở (độ tuổi 12 - 15) trên địa bàn Hải Dương và Hà Nội. Kết quả khảo sát bằng thang đo Xung đột với bạn cùng lứa (Peer conflict scale) của Marsee và cộng sự (2011) cho thấy, 96,6% học sinh tham gia nghiên cứu báo cáo có hành vi gây hần. Học sinh báo cáo điểm trung bình gây hấn công khai cao hơn so với gây hấn liên hệ. Nghiên cứu tìm ra mối tương quan thuận giữa hai loại gây hấn công khai và gây hấn liên hệ. Phép kiểm định T-test không cho phép khẳng định sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ gây hấn theo giới tính. Kết quả phân tích kiểm định One-way Anova ghi nhận sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về mức độ gây hấn theo lớp học, kiểu gia đình và thứ tự sinh. Cụ thể, học sinh lớp 7 báo cáo mức gây hấn chung là cao nhất so với khối lớp 6, 8 và 9. Học sinh sống trong gia đình mở rộng báo cáo mức gây hấn công khai thấp hơn so với các học sinh sống trong gia đình hạt nhân, gia đình đơn thân và sống cùng họ hàng. Gây hấn liên hệ ở con thứ được báo cáo thấp hơn so với gây hấn ở con cả và con út.