Cây lúa mùa ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) chỉ trổ được ở mùa vụ có thời gian chiếu sáng ngày ngắn. Vì vậy, việc làm mất ảnh hưởng của quang kỳ trên các giống lúa mùa có phẩm chất thơm ngon, thích nghi tốt và chống chịu mặn là yêu cầu cấp thiết hiện nay nhằm phục vụ cho sản xuất ở các vùng đất nhiễm mặn ở ĐBSCL. Vật liệu ban đầu là giống lúa mùa Nàng Thơm Chợ Đào (NTCĐ), bằng cách xử lý 1.000 hạt vào giai đoạn hạt nảy mầm ở nhiệt độ 500C trong suốt thời gian 5 phút. Những hạt đã xử lý (Mo) được trồng và chọn dòng đột biến từ thế hệ M1 đến M5 trong nhà lưới trong điều kiện thời gian ngày dài và ngày ngắn xen kẽ. Kết quả cho thấy xử lý nhiệt độ có tần số đột biến là 2‰, chiều dài hạt thay đổi so với giống gốc (tăng 0,1 - 0,2 mm). Tổng cộng 2 dòng lúa đột biến được chọn, mất quang kỳ, có thời gian sinh trưởng ngắn (<
110 ngày) năng suất cao (6,0 – 6,4 tấn/ha so với đối chứng 4,8 tấn/ha) trong điều kiện nhà lưới, chống chịu mặn giai đoạn mạ (9 - 12 dSm1) và vẫn giữ chất lượng gạo như giống gốc ở thế hệ M5.