Theo quy định pháp luật, người cao tuổi (NCT) có quyền được tạo điều kiện tham gia hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, giải trí, du lịch. Bài viết tập trung tìm hiểu thực trạng phụ nữ cao tuổi tiếp cận với các tiện ích về văn hóa thể thao và du lịch ở địa phương và những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng và cơ hội tiếp cận (các tiện ích gồm có thư viện, câu lạc bộ tự nguyện sân chơi cộng đồng, khu tập thể dục công cộng, các giải thi đấu thể thao dành riêng cho NCT, các hoạt động du lịch phù hợp với NCT). Bài viết sử dụng số liệu khảo sát định lượng và định tính của Đề tài độc lập cấp Quốc gia “Cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm đề xuất giải pháp bảo vệ và hỗ trợ một số nhóm phụ nữ đặc thù” do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thực hiện năm 2021. Mẫu phân tích là 792 người cao tuổi nữ (độ tuổi từ 60 trở lên) tại 5 tỉnh, thành phố, gồm Lào Cai, Quảng Ninh, Quảng Trị, Thành phố Hồ Chí Minh và Trà Vinh. Kết quả cho thấy, việc có các nguồn lực tốt hơn về học vấn, kiến thức, sức khỏe, quỹ thời gian giúp nữ cao tuổi tiếp cận và sử dụng các tiện ích nhiều hơn. Việc thúc đẩy khả năng tiếp cận, sự tham gia của nhóm có trình độ học vấn thấp hơn, nhóm có sức khỏe kém hơn cũng như nhóm đang tiếp tục làm việc (làm việc tạo thu nhập hoặc làm các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình) cần được chú ý trong giai đoạn tới. Để đạt được điều đó, cần có sự đa dạng cả về hình thức, nội dung, cách thức hoạt động cũng như sự mở rộng về quy mô, sự đảm bảo về chất lượng của các tiện ích trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch đối với người cao tuổi nữ1.