Độc sắt là một trong những yếu tố hạn chế chính trong canh tác lúa trên đất phèn. Trong điều kiện tự nhiên rất khó để tách biệt giữa độc sắt, độc lưu huỳnh và tình trạng thiếu dinh dưỡng. Một thí nghiệm tiến hành trong dung dịch sẽ cho phép tách biệt tác hại của các nồng độ sắt đối với lúa. Nghiên cứu được thực hiện trên 2 giống lúa IR 50404 và OM 5451, môi trường dinh dưỡng Yoshida et al. (1976) + 0,2% agar. Độc sắt Fe được bổ sung dưới dạng FeSO4.7H20 với các nồng độ 0 ppm, 50 ppm,100ppm, 200ppm, 300 ppm và 400 ppm. Định kỳ 3 ngày thay dung dịch 1 lần, thí nghiệm được thực hiện dưới mái chetrong điều kiện tự nhiên. Theo dõi cấp độ độc bronzing trên lá, chiều cao cây, chiều dài rễ, khối lượng thân lá và phân tích các yếu tố dinh dưỡng N, P, K, Ca, Zn và Fe trong thân lá ở giai đoạn 40 ngày sau gieo. Kết quả cho thấy, sinh trưởng của 2 giống lúa bị ảnh hưởng nặng bởi sự gia tăng nồng độ Fe trong dung dịch, khi tăng nồng độ Fe trong dung dịch làm giảm khả năng hút dinh dưỡng của cây lúa, tăng hàm lượng Fets tích lũy trong thân lá và giảm sinh khối. Cây lúa biểu hiện ngộ độc sắt ở nồng độ 50 ppm trên cả 2 giống và trở lên trầm trọng từ nồng độ 200 ppm Fe đối với giống IR 50404 và 100 ppm Fe đối với giống OM 5451. Cả 2 giống này đều bị chết khi nồng độ Fe trong dung dịch ở ngưỡng 400 ppm Fe trên giống IR 50404 và 300 ppm Fe trên giống OM 5451. Trong 2 giống lúa nghiên cứu, giống IR 50404 có khả năng chống chịu độc sắt cao hơn giống OM 5451.