Khu vực lõi trung tâm của các đô thị thường có nhu cầu đi lại lớn, mặt cắt ngang đường rất hẹp, các tuyến phố ngắn, đan xen dày đặc. Việc sử dụng giao thông cá nhân quá mức dẫn đến ùn tắc nghiêm trọng, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của cư dân. Giao thông chậm là hệ thống mà người tham gia giao thông chủ yếu đi bộ, đi xe đạp, kết hợp đi bộ và xe buýt, kết hợp đi xe đạp và xe buýt. Đây không chỉ là các phương tiện quan trọng để bảo vệ môi trường xanh và phát triển bền vững mà còn là giải pháp để giải quyết được vấn đề giao thông dặm cuối (last mile traffic) trong vận tải hành khách công cộng của đô thị. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đánh giá đặc điểm phát triển giao thông và đô thị của khu vực phố cổ - Hà Nội, đặc điểm đi lại và nhu cầu giao thông tại khu vực này, từ đó đề xuất hệ thống giao thông chậm được xem như hệ thống giao thông đô thị đặc thù cho khu vực này, nhằm phát triển giao thông xanh và bền vững.