Nhà báo, học giả Lê Dư, còn có tên Lê Đăng Dư, Lê Kính (1884- 1967)1, hiệu Sở Cuồng (người Cuồng nước Sở), sinh quán tại làng Nông Sơn (nay thuộc xã Điện Thọ) huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học chữ Hán ở quê nhà. Lê Dư lập gia đình với bà Phan Thị Giệm (1889 - 1936), sinh hạ được năm người con. Con gái lớn là nhà thơ Lê Hằng Phương - vợ nhà văn Vũ Ngọc Phan, con gái thứ hai là Lê Hằng Phấn - vợ nhà văn, nhà nghiên cứu Hoàng Văn Chí, thứ ba là con trai - dược sĩ Lê Hoan, thứ tư là con gái Lê Hằng Huân - vợ tướng Nguyễn Sơn, con gái thứ năm là Lê Hằng Trang, mất sớm. Trong năm người con của Lê Dư, đến nay chỉ còn con trai Lê Hoan còn sống. Năm 1900, ông cùng với Phan Khôi, Nguyễn Bá Trác ra Hà Nội học tiếng Pháp và tham gia công tác tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Hưởng ứng phong trào Duy Tân, phong trào Đông Du, năm 1906 ông sang Nhật du học. Năm 1908, phong trào Đông Du bị khủng bố do sức ép của thực dân Pháp, chính phủ Nhật trục xuất các nhà cách mạng Việt Nam và cả các du học sinh, ông sang Triều Tiên, Trung Quốc đọc sách và du lịch. Lê Dư rất thông thạo tiếng Nhật và tiếng Trung Quốc. Với "
vốn học vấn uyên bác, 14 năm học tập và hoạt động cứu nước ở hải ngoại, chí lớn không thành, ông trở về nước, chuyên khảo cứu và biên khảo lịch sử, văn học mong khơi dậy truyền thống dân tộc"
.