Tây Nguyên là vùng có nguồn nước dưới đất rất dồi dào, với trữ lượng tĩnh khoảng 3,27 tỷ m3 và trữ lượng động khoảng 6,75 tỷ m3/năm. Tuy nhiên, với mùa khô kéo dài kết hợp với tác động của hạn hán và việc khai thác nước ngầm tự phát không theo quy hoạch trong những năm gần đây đã kiến mực nước ngầm ở Tây Nguyên hạ thấp, việc cấp nước sinh hoạt cho người dân tại vùng núi cao ngày càng trở nên khó khăn hơn. Do vậy, việc lựa chọn giải pháp công nghệ trong khai thác và bảo vệ nước dưới đất là nhiệm vụ rất quan trọng. Bài viết trình bày kết quả xây dựng mô hình giếng khoan ngang kai thác kết hợp giếng khoan bổ cập nhân tạo nước mưa tại Gia Lai và mô hình giếng khoan khai thác kết hợp đập ngầm tại Đăk Nông phục vụ cấp nước sinh hoạt bền vững. Các giải pháp này đã chứng tỏ được hiệu quả trong việc khai thác bền vững nguồn nước dưới dất và cần được áp dụng rộng rãi tại các vùng khan hiếm nước vùng Tây Nguyên.