Bài báo nghiên cứu các hoạt động thủ công chế tác công cụ đá, một ngành sản xuất quan trọng trong cơ cấu kinh tế - xã hội tiền sử ở Tây Nguyên giai đoạn 4,000BP (Before Present). Dựa vào tư liệu 50 di tích công xưởng giai đoạn hậu kỳ Đá mới được phát hiện ở các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, và Lâm Đồng, bài báo đã xác định được sự tồn tại của bốn trung tâm công xưởng chế tác đá. Trong mỗi trung tâm có các quy trình khai thác và chế tác công cụ lao động từ các loại đá khác nhau, tạo ra các loại hình sản phẩm khác nhau, và có phạm vi sử dụng không giống nhau ở Tây Nguyên. Sự ra ra đời của các di tích công xưởng này không chỉ ghi nhận rằng cư dân hậu kỳ Đá mới ở Tây Nguyên đã ở trình độ chuyên hóa cao và có sự phân công lao động trong sản xuất, mà các sản phẩm công xưởng đã được lưu thông trên địa bàn và tạo ra sự phát triển tương đối đồng đều trên toàn khu vực Tây Nguyên, đấy là tiền đề quan trọng nảy sinh thời đại Kim khí ở vùng đất này.