Với nhu cầu điện năng ngày càng tăng, Việt Nam cũng đang từng bước coi việc đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó có phong điện là chìa khóa để giải quyết bài toán về an ninh năng lượng, qua đó góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển xanh của đất nước. Theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ chính trị ban hành ngày 11/2/2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15 - 20% vào năm 2030
25 - 30% vào năm 2045 và ưu tiên sử dụng năng lượng gió và mặt trời cho phát điện. Đổng thời, Thủ tướng Chính phủ cũng đã duyệt thông qua nội dung Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) vào ngày 24/7/2020, đặc biệt Việt Nam đã chủ động nâng cao mức đóng góp ứng phó với biến đổi khí hậu. Như vậy, trong nỗ lực chung để đến năm 2030, bằng nguồn lực trong nước Việt Nam sẽ cắt giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường quốc gia và có thể được tăng lên tới 27% khi nhận được hỗ trợ quốc tế, mà chính năng lượng sẽ là lĩnh vực đi đẩu với mức giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là 5,5% trong giai đoạn 2021-2030. Vì thế, các dự án năng lượng tái tạo nói chung và điện gió nói riêng với ưu điểm nổi bật là các nguồn điện xanh và sạch đang được đẩy mạnh phát triển tăng tốc, đóng góp phần lớn vào công cuộc đấu tranh với biến đổi khí hậu. Trong bài báo này sẽ tổng hợp tình hình phát triển điện gió và nghiên cứu các khía cạnh liên quan để phát triển bền vững các dự án điện gió tại Việt Nam.