Nghiên cứu được thực hiện trên đối tượng rừng thứ sinh phục hồi tự nhiên sau canh tác nương rẫy thuộc Vườn Quốc gia Tà Đùng, tỉnh Đắk Nông. Nghiên cứu đã làm sáng tỏ các đặc điểm tái sinh tự nhiên gồm Mật độ, tổ thành, chất lượng và nguồn gốc cây tái sinh, phân bố cây tái sinh theo cấp chiều cao, theo mặt phẳng ngang và đa dạng cây tái sinh. 33 ô tiêu chuẩn 2.500 m (50 m x 50 m) được thiết lập trên các thảm thực vật đại diện cho các kiểu rừng và thời gian phục hồi sau nương rẫy. Số liệu tái sinh được thu thập trên các ô dạng bản diện tích 25 m (5 m x 5 m). Kết quả cho thấy mật độ cây tái sinh kiểu rừng ít tre nửa từ 10.067 đến 14.793 cây/ha, trong khi kiểu rừng tre nứa từ 6.220 đến 8.280 cây/ha. Chất lượng cây tái sinh cho thấy tỷ lệ cây phẩm chất tốt đạt từ 56,4% đến 69,2%. Cây có nguồn gốc từ hạt chiếm ưu thế, khoảng 80 đến 90%. Phân bố số cây tái sinh theo cấp chiều cao có xu hướng chung là giảm dần từ cây có chiều cao thấp (<
1m) đến cây có chiều cao lớn (>
5 m). Phân bố cây tái sinh trên bề mặt đất rừng ở giai đoạn đầu của quá trình phục hồi rừng chủ yếu là phân bố cụm, giai đoạn tiếp theo có dạng phân bố ngẫu nhiên hoặc phân bố cách đều. Chỉ số đa dạng cây tái sinh đối với kiểu rừng it tre nứa từ 3,24 đến 3,48 cao hơn so với kiểu rừng tre nứa (từ 2,98 đến 3,14).