Tiếp cận thông tin sức khỏe sinh sản (SKSS) đầy đủ và kịp thời là một trong những điều kiện tiên quyết đối với vị thành niên nữ nhằm giúp họ phòng tránh được những rủi ro về SKSS ngoài ý muốn đồng thời bảo vệ mình trước những hành vi SKSS không an toàn. Tuy vậy việc tiếp cận thông tin sức khỏe sinh sản của vị thành niên nữ, đặc biệt là vị thành niên nữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Dựa trên kết quả khảo sát bằng bảng hỏi với 200 vị thành niên nữ tại huyện Than Uyên của tỉnh Lai Châu, trong đó có 112 người dân tộc Thái ở xã Ta Gia và 88 người dân tộc Hmông ở xã Khoen On và kết quả phỏng vấn sâu, thảo luận nhóm đối với vị thành niên nữ, cán bộ y tế các cấp, giáo viên các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông ở hai xã Ta Gia và Khoen On huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu, bài viết phân tích thực trạng tiếp cận thông tin sức khỏe của vị thành niên nữ DTTS ở tỉnh Lai Châu trên ba chiều cạnh tính sẵn có của dịch vụ thông tin SKSS, thực trạng tiếp cận và mức độ hài lòng với thông tin được tư vấn, tuyên truyền. Kết quả phân tích cho thấy hiện nay đối với vị thành niên nữ không còn đi học và vị thành niên nữ dân tộc Hmông thì việc tiếp cận thông tin SKSS đang còn là thách thức lớn do sự thiếu vắng các dịch vụ cung cấp thông tin dành riêng cho họ và bởi tính không phù hợp về mặt ngôn ngữ trong các thông tin được cung cấp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận thông tin sức khỏe sinh sản của người Hmông cũng hạn chế hơn so với người Thái bởi các rào cản về địa lý và sự khác biệt về dân tộc của các cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền.