Xét về mặt cấu tạo, điển cố, điển tích là một đơn vị của ngôn ngữ học bởi nó là sự kết hợp của một hoặc vài yếu tố từ ngữ, có chức năng của một thành tố cấu tạo câu tiếng Việt. Điển cố, điển tích thường ngắn gọn, súc tích, vốn dung chứa trong nó nhiều nội hàm ngữ nghĩa. Trong hành chức, điển cố, điển tích không được sử dụng nhiều trong ngôn ngữ giao tiếp mà chủ yếu được sử dụng nhiều trong diễn ngôn văn chương, nhất là văn chương cổ điển Việt Nam. Trong quá trình giảng dạy bộ môn Ngữ văn ở nhà trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy những điển cố, điển tích tạo được hiệu quả thẩm mĩ lớn nhất, được học sinh thích thú nhất lại chính là những điển cố, điển tích mà nhà văn vận dụng sáng tạo trong ngữ cảnh mới. Nói cách khác, đó chính là những điển cố, điển tích có sự biến đổi về mặt ngữ nghĩa trong diễn ngôn văn chương. Bài báo của chúng tôi tập trung vào ba nội dung khái niệm điển cố, điển tích
nguyên tắc biến đổi ngữ nghĩa của điển cố, điển tích và nghiên cứu trường hợp biến đổi ngữ nghĩa của điển cố, điển tích trong bài thơ Thu vịnh (Nguyễn Khuyến).