Một nghiên cứu mô tả cắt ngang được thực hiện trên một nhóm gồm 461 trẻ nghe kém được chẩn đoán và điều trị tại Trung tâm Thính học và Trị liệu ngôn ngữ Bệnh viện Nhi trung ương từ tháng 01/ 2018 đến tháng 08/ 2019. Mục đích của nghiên cứu là đánh giá phân bố của nhóm trẻ theo tuổi, giới, mức độ nghe kém, các yếu tố nguy cơ cao, thực trạng can thiệp trên nhóm trẻ này. Số liệu được lấy bằng các phiếu điều tra và được phân tích bằng phần mềm Stata. Kết quả cho thấy trong nhóm nghiên cứu có 281 trẻ nam và 180 trẻ nữ. Nghe kém mức độ sâu chiếm tỉ lệ cao nhất với 269 trẻ (chiếm 58,4%), đứng thứ 2 là mức độ nặng với 55 trẻ chiếm 11,9%, đứng thứ 3 là nghe kém mức độ trung bình-nặng có 32 trẻ (6.9%). Nghe kém sau ốc tai (ANSD) có 77 trẻ chiếm 16,7%. Đa số trẻ nghe kém cả 2 tai (90,5%), chỉ có 9,5% trẻ nghe kém 1 tai. Độ tuổi phát hiện trẻ nghe kém hay gặp nhất là từ 13-24 tháng (33,2 %). Trong nhóm trẻ ANSD thì có tới 73,6% trẻ có tiền sử vàng da thời kỳ sơ sinh. Chỉ có 17,6% trẻ được đeo máy trợ thính và 8,9% trẻ được cấy điện cực ốc tai.