Biển Việt Nam có diện tích vùng đặc quyền kinh tế khoảng 1.000.000 km2 rộng gấp 3 lần đất liền, với trên 3.000 hòn đảo lớn, nhỏ phân bố tập trung ở ven bờ và hai quần đảo ngoài khơi là Trường Sa và Hoàng Sa nằm giữa biển Đông. Nhiều đảo có diện tích lớn, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có thể xây dựng thành các trung tâm kinh tế biển - đảo và dịch vụ cho các hoạt động du lịch và khai thác cá xa bờ. Bờ biển nước ta kéo dài trên 3.260 km (không kể bờ các đảo) và cứ 100 km2 đất liền có 1 km đường bờ biển, gấp 6 lần tỷ lệ của thế giới (600 km2 /1km). Cho đến nay, đã có trên 11.000 loài động, thực vật đã được phát hiện tại vùng biển Việt Nam, được công nhận là một trong các trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) biển của thế giới, cũng là nơi phát sinh và phát tán của nhiều nhóm sinh vật biển vùng nhiệt đới Ấn Độ - Thái Bình Dương. Trong khu hệ sinh vật biển đã phát hiện có khoảng 6.500 loài động vật đáy, hơn 2.100 loài cá (trên 100 loài cá kinh tế), 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du, 537 loài thực vật phù du, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái (HST) điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định hầu như toàn bộ năng suất sinh học của toàn vùng biển. ĐDSH biển Việt Nam đã mang lại lợi ích không chỉ về mặt khoa học, văn hóa - xã hội, mà còn về mặt kinh tế thông qua những đóng góp trực tiếp cho nền kinh tế quốc dân và sinh kế của các cộng đồng người dân ven biển.