Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những vấn đề nghiêm trọng trước mắt và lâu dài đối với thế giới nói chung, Việt nam nói riêng. Tốc độ là một trong những nguyên nhân trực tiếp hàng đầu gây ra TNGT. Trong những năm trở lại đây, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm quản lý tốc độ, trong đó đặc biệt phải kể đến việc triển khai thí điểm giải pháp nâng cao vạch người đi bộ qua đường tại nhiều vị trí trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là khu vực trung tâm. Do vậy, việc đánh giá mức độ hiệu quả kỹ thuật của giải pháp này là hết sức cần thiết, nhằm giúp cho thành phố có thêm cơ sở khoa học để nhân rộng giải pháp này trên địa bàn. Nghiên cứu này được thực hiện đánh giá tại bốn vị trí thực hiện giải pháp của đường Tôn Đức Thắng, Quận 1 đối với cả bốn nhóm phương tiện (xe máy, xe ôtô, xe tải, xe bus). Kết quả nghiên cứu bước đầu đã chỉ ra rằng, giải pháp này sẽ có hiệu quả tích cực trong quản lý tốc độ (giảm tốc độ phương tiện) đối với 4 nhóm phương tiện nói trên khi tốc độ lưu thông trung bình từ 35.5km/h trở lên. Khi bề rộng vạch người đi bộ khác nhau thì hiệu quả tích cực trong quản lý tốc độ của giải pháp này cũng khác nhau (Bề rộng 10.5m hiệu quả cao hơn bề 7.5m). Đối với trường hợp bề rộng vạch người đi bộ rộng 10.5m, giải pháp này giảm được tốc độ của phương tiện lên đến gần 14% . Giải pháp này có tác động tích cực khác nhau đối với từng nhóm phương tiện, cao nhất là ô tô (13.93%) và thấp nhất là đối với xe máy (5.75%). Đây có thể sẽ là cơ sở khoa học quan trọng bước đầu trong việc nghiên cứu nhân rộng áp dụng mô hình giải pháp này trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.