Việc xây dựng và phát triển mô hình tâm lý học đường là cực kỳ quan trọng trong việc giúp trẻ em và thanh thiếu niên khỏe mạnh, góp phần vào việc phát triển toàn diện nhân cách của học sinh. Tại Việt Nam nói chung và Đồng Nai đã phát triển nhiều mô hình tâm lý học đường khác nhau và chủ yếu dựa vào mô hình chuyên nghiệp của Hiệp hội quốc gia các nhà tâm lý học đường Hoa Kỳ (NASP). Về chính sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất quan tâm đến vấn đề tâm lý trường học, gần đây nhất Bộ đã ra thông tư số 31/ 2017/TT–BGDĐT về hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh trong các trường phổ thông. Tuy nhiên, các mô hình và chính sách vẫn chưa được giải quyết một cách thực tiễn và triệt để. Dựa trên những dữ liệu nghiên cứu thực tiễn và tổng quan tài liệu, chúng tôi đề xuất mô hình phòng tâm lý học đường tại các trường phổ thông ở Đồng Nai. Mô hình hướng đến tiếp cận nền tảng lý thuyết đa dạng, đồng thời cung cấp đa dịch vụ dựa trên ba cấp độ và hệ thống các dịch vụ từ phòng ngừa toàn trường, can thiệp mục tiêu và can thiệp chuyên sâu. Việc ứng dụng mô hình này vào thực tiễn sẽ giải quyết được rất nhiều khó khăn và hạn chế còn tồn tại về việc phát triển tâm lý học trường học tại Việt Nam.