Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá khả năng tăng trưởng quần thể của luân trùng và khả năng dùng làm thức ăn trong giai đoạn đầu của cá tra (Pangasianodon hypophthalmus) bột. Ba loại luân trùng nước ngọt gồm Brachionus angularis, B. pala và B. calyciflorus được tăng sinh và so sánh với 01 loại luân trùng nước lợ B. plicatis được sử dụng cho ương cá tra bột tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Tiếp theo, 4 loài luân trùng này được sử dụng làm thức ăn cho cá tra bột trong vòng 03 ngày đầu, tiếp theo là Moina được sử dụng cho đến khi kết thúc thí nghiệm. Mật độ luân trùng đạt cực đại (tăng 03 lần) vào ngày nuôi thứ 03 với B. pala và ngày 04 với B. calyciflorus. Trong khi đó B. angularis và B. plicatilis đạt mật độ cực đại (tăng lên gấp 06 lần) vào ngày nuôi thứ 7 và 9. Kết quả thử nghiệm trên cá tra bột cho thấy, cá ăn bằng B. angularis có tỷ lệ sống cao nhất (24,1%), thấp nhất ở cá cho ăn bằng B. calyciflorus. Khối lượng cá cho ăn B. angularis lớn hơn có ý nghĩa so với cá cho ăn B. calyciflorus, nhưng sai biệt không có ý nghĩa so với cá cho ăn B. plicatilis hoặc B. pala. Từ kết quả của thí nghiệm này có thể khẳng định rằng luân trùng B. angularis là loài tối ưu cho ương cá tra bột.