Trượt lở đất đá đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho cơ sở hạ tầng ở tỉnh Quảng Nam trong những năm gần đây. Đặc biệt mùa mưa năm 2017 đã gây ra nhiều vụ lở đất lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại các tuyến đường giao thông trọng điểm ở miền núi. Từ thực tế này, việc nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá các điểm trượt lở trong khu vực nghiên cứu nhằm góp phần duy trì sự hoạt động ổn định, lâu dài của các tuyến đường trọng điểm này là cần thiết và cấp bách. Bài báo này có mục đích giới thiệu những kết quả nghiên cứu mới về hiện trạng, tổng hợp, thống kê các điểm trượt và phân nhóm các kiểu hình trượt lở theo thể tích khối trượt tại Quảng Nam. Cùng với khảo sát hiện trường, nhóm tác giả đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu mới về tính thể tích khối trượt, phương pháp tính hệ số an toàn cho mái dốc phẳng theo lý thuyết của Coulomb để xác định nguyên nhân chủ yếu gây mất ổn định mái dốc trên các đường miền núi tỉnh Quảng Nam. Dọc theo 15 quốc lộ và tỉnh lộ, đã ghi nhận được 298 vụ lở đất, được phân thành 6 nhóm theo khối lượng thể tích. Bên cạnh nhóm yếu tố nguy cơ tiềm ẩn của mái dốc, thì lượng mưa lớn là yếu tố chủ yếu kích hoạt gây trượt lở đất đá. Kết quả phân tích tại một mái dốc trong mùa khô hệ số an toàn là Fs1 = 0.87, trong mùa mưa hệ số an toàn là Fs2 = 0.29 là minh chứng rõ ràng cho nguyên nhân kích hoạt, gây mất ổn định mái dốc trong khu vực nghiên cứu.