Để khắc phục tình trạng manh mún ruộng đất, tạo ra các ô thửa có diện tích lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đạt hiệu quả cao trên từng đơn vị diện tích, từng bước đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, qua hai giai đoạn 2002-2004 và 2011-2015, tỉnh Nam Định đã triển khai công tác dồn điền đổi thửa, đạt được nhiều kết quả. Sau khi thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa của tỉnh, đến 2015 trên địa bàn toàn tỉnh bình quân số thửa đất nông nghiệp của một hộ còn 2,1 thửa, giảm 1,7 thửa so với giai đoạn 2002-2004, trong đó, huyện có bình quân số thửa trên một hộ thấp nhất là Nghĩa Hưng có 1,46 thửa/hộ, huyện có bình quân số thửa trên một hộ cao nhất là Vụ Bản có 2,88 thửa/hộ
sau dồn điền đổi thửa đất công ích được quản lý chặt chẽ hơn, nhưng tổng số thửa đất công ích toàn tỉnh còn khá lớn (21.588 thửa), trong đó nhiều nhất là huyện Hải Hậu (6.130 thửa) và thấp nhất là huyện Nghĩa Hưng (1.266 thửa). Kết quả nghiên cứu cho thấy Dồn điền đổi thửa tạo điều kiện chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng, đẩy mạnh cơ giới hóa sản, áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trên đồng ruộng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ kết quả nghiên cứu dồn điền đổi thửa tại Nam Định, một tỉnh ven biển vùng đồng bằng Sông Hồng, một số bài học đã được chỉ ra về vai trò của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tôn giáo, người nông dân, các nguồn lực hỗ trợ về cơ chế chính sách, tài chính...