Cuối thế kỷ XIX, nước Nga bước sang giai đoạn chủ nghĩa đế quốc khi chưa tiến hành cách mạng dân chủ tư sản. Vì thế, chủ nghĩa đế quốc Nga tồn tại trong khi còn giữ lại nhiều tàn tích của chế độ phong kiến. Những mâu thuẫn xã hội chằng chéo đã khiến nước Nga trở thành nơi tập trung mọi mâu thuẫn của chủ nghĩa đế quốc và là trung tâm cách mạng. Trong bối cảnh đó, sau khi lên nắm quyền Nicolai II đã thực hiện nhiều chính sách trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội nhằm duy trì chế độ chuyên chế và giải quyết các mâu thuẫn tồn tại ở Nga. Chính sách cai trị của Nicolai II mang nhiều đặc điểm khác nhau, nhưng xét cho cùng những chính sách ấy đã không đem lại kết quả như mong muốn của Nga hoàng Nicolai II. Chính sách đối nội của ông trở thành nguyên nhân quan trọng thổi bùng ngọn lửa cách mạng ở Nga vào đầu thế kỷ XX, thiêu cháy sự tồn tại của chế độ phong kiến Nga mà Nicolai II trở thành vị Hoàng đế cuối cùng của đất nước rộng lớn ấy.