Giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và giáo dục vãn hóa - tinh thần tộc người trong cộng đồng người Hoa là hai khía cạnh quan trọng của toàn bộ đời sống lễ tục cộng đồng này, nhất là trong bối cảnh Việt Nam ngày cùng phát triển và hội nhập sâu rộng hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Xuất phát từ nền tảng triết lý và đạo đức Nho giáo, giáo dục đạo đức gia đình hiện vẫn đang được người Hoa vùng Tây Nam Bộ gìn giữ và phát triển bên cạnh một số thay đổi về hình thức, phương tiện cho phù hợp với thời đại. Với nhiệm vụ định hướng và bồi dưỡng tinh thần và hàm dưỡng văn hóa tộc người, các hoạt động ở quy mô cộng đồng (giáo dục ngôn ngữ và văn hóa Hoa, sinh hoạt đền miếu, lễ hội, v.v.) về cơ bản đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa cộng đồng. Có thể nói, giáo dục . trong gia đình người Hoa là một phương diện có tính khép kín (thậm chí bảo thủ) thì các hoạt động mang tính giáo dục ở cấp độ cộng đồng mang tính mở - yếu tố đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa liên tộc người. Cả hai phương diện ấy đều đang trong quá trình “thanh lọc ”, "
gọt giũa ” cho phù hợp với những biến đổi sâu sắc của đời sống xã hội Việt Nam hiện nay. Đối với nhiều nhóm người Hoa trong vùng, họ gần như hòa đồng vào người Việt về các phương diện ngôn ngữ, đời sống vật chất - kinh tế và đa phần các khía cạnh của đời sống xã hội, song chính tính khép kín của giáo dục gia đình và ý thức giáo dục văn hóa ở cấp độ cộng đồng (chủ yếu là yếu tố lễ - nghi lễ) đã tiếp tục gìn giữ nhiều sắc thái quan trọng của văn hóa tộc người.