Trong khoảng 30 năm đầu của thế kỉ XX, nền văn học Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn tái cấu trúc theo hướng hiện đại hóa. Quá trình này được tiến hành trong sự “dùng dằng” giữa hai khuynh hướng nếu tầng lớp cựu học cố gắng giữ gìn những khuôn thước mẫu mực của văn chương cổ điển, thì thế hệ tân học lại ra sức học tập văn học hiện đại phương Tây và từng bước hướng đến một nền văn chương mới. Đứng trước những thách thức và cơ hội của thời đại, một nhà Nho như Tản Đà đã mạnh dạn tháo dỡ “cái cũ” trong trục dẫn của “cái mới”, lấy tư tưởng hiện đại phương Tây hòa nhập với minh triết phương Đông để chuyển hóa, kết tinh thành thứ văn chương độc đáo, mới lạ. Nếu dấu ấn Á Đông làm cho văn chương Tản Đà thâm sâu, đượm đà, thì những hơi hướng hiện đại phương Tây làm cho thứ văn chương ấy thêm lấp lánh, nhiều sắc màu. Trong xu hướng cách tân nghệ thuật ấy, nỗ lực tiệm cận với tiểu thuyết hiện đại và xu hướng tự do hóa thi ca là hai trong số những đóng góp quan trọng của Tản Đà. Được kiểm nghiệm bằng sự thành công vượt bậc trên văn đàn, những cách tân sáng tạo của Tản Đà đã gợi mở những hướng đi tiềm năng cho thế hệ văn sĩ kế tiếp và góp phần đẩy nhanh tiến trình hiện đại hóa văn học dân tộc.