Bằng việc sử dụng phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) và phỏng vấn nông hộ, nghiên cứu đã đánh giá thực trạng sinh kế của cư dân vùng đệm Vườn quốc gia (VQG) Bù Gia Mập gắn với công tác quản lý và bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học. Kết quả nghiên cứu cho thấy trình độ học vấn của cư dân rất thấp, khoảng 86,7% số nông hộ có thu nhập chủ yếu dựa vào nguồn lực tự nhiên bao gồm đất sản xuất nông nghiệp và các lâm sản ngoài gỗ (LSNG) như củi, rau rừng, măng, hạt ươi, nấm, lan, mật ong, động vật rừng. Đồng bào dân tộc bản địa S’tiêng và M’nông phụ thuộc vào LSNG hơn đồng bào Kinh (Pearson Chi-Square, p = 0,000). Các LSNG khai thác được chủ yếu cho gia đình sử dụng. Ngược lại, diện tích đất trung bình mỗi nông hộ của dân tộc Kinh cao gần gấp hai lần của đồng bào bản địa. Vì vậy, nghiên cứu đã đưa ra các giải pháp nhằm tạo sinh kế bền vững, góp phần bảo tồn bền vững tài nguyên đa dạng sinh học ở VQG Bù Gia Mập. Trong đó, cần đẩy mạnh đầu tư nguồn lực vật chất, nâng cao nguồn lực xã hội và chất lượng nguồn nhân lực, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính và bền vững tài nguyên thiên nhiên. Đặc biệt, cần quy hoạch diện tích trồng những LSNG mang tính truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cho đồng bào bản địa.