Hệ thống yếu tố Hán Việt (HV) giữ một vị trí quan trọng trong việc tạo ra tiếng Việt nói chung, tiếng Việt đương đại nói riêng, bởi trong tiếng Việt, số từ HV chiếm hơn 70%, vì vậy nghiên cứu về hệ thống yếu tố ngôn ngữ này là rất quan trọng để hiểu rõ hơn về tiếng Việt. Khi nghiên cứu hệ thống yếu tố ngôn ngữ này, phương pháp lịch sử - so sánh trong nghiên cứu ngôn ngữ nói chung gồm thủ pháp phục nguyên bên trong, thủ pháp niên đại hóa, thủ pháp giải thích về văn hóa và lịch sử là phù hợp. Với các thủ pháp của phương pháp này, hệ thống yếu tố HV được phục nguyên bên trong từ cơ sở tìm hiểu phương diện hình thể, âm đọc, ý nghĩa của từng yếu tố trên trục lịch đại và đồng đại. Hình thể của yếu tố HV được tầm nguyên nguyên tự và nghiên cứu giá trị biểu đạt của nó. Âm đọc của yếu tố HV được nghiên cứu trong quá trình phát triển với sự tồn tại của hệ thống âm tiền HV, âm HV, âm HV Việt hóa. Phương diện ý nghĩa được nghiên cứu trong sự vận động, sáng tạo và sức sống của tiếng Việt. Thủ pháp niên đại hóa hướng đến lý giải sự tồn tại của yếu tố HV gắn liền với sự kiện văn hóa lịch sử. Dấu ấn về văn hóa và lịch sử lưu giữ trong yếu tố HV sẽ được tìm hiểu bằng thủ pháp giải thích về văn hóa lịch sử.Từ khóa nghiên cứu lịch sử - so sánh, thủ pháp giải thích về mặt văn hóa và lịch sử, thủ pháp niên đại hóa, thủ pháp phục nguyên bên trong, yếu tố Hán Việt.Chỉ số phân loại 5.10