Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 1 đến tháng 12 năm 2015, tại bệnh viện đa khoa tỉnh Đắk Lắk nhằm: Mô tả kiến thức, thái độ của lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của bệnh viện về chuẩn bị đáp ứng với tình hình chấn thương hàng loạt, thực trạng chuẩn bị đáp ứng với chấn thương hàng loạt, những thuận lợi, khó khăn trong chuẩn bị đáp ứng với chấn thương hàng loạt của bệnh viện năm 2015. Phương pháp nghiên cứu mô tả cắt ngang có phân tích, kết hợp nghiên cứu định lượng và định tính, sử dụng phần mềm Epi Data 3.1 và SPSS 16.0. Kết quả nhận thức được các loại thảm họa có thể gây ra chấn thương hàng loạt gồm lũ lụt, bom mìn, cháy nổ, tai nạn các công trình xây dựng, tại nạn giao thông, tai nạn lao động. Hậu quả của chấn thương hàng loạt gây ảnh hưởng đến tâm lý và thương tật kéo dài hoặc thương tật vĩnh viễn. 100 phần trăm đối tượng nghiên cứu chưa sử dụng hệ thống bảng màu trong phân loại nạn nhân và 91,1 phần trăm đối tượng nghiên cứu đã sử dụng quy trình đánh giá nạn nhân, trong đó thực hiện đúng quy trình đạt 88,9 phần trăm. Kiến thức về kỹ thuật hô hấp nhân tạo, áp tim ngoài lồng ngực và cố định gãy xương đạt 90 phần trăm. Bệnh viện có 3 đội cấp cứu cơ động có khả năng cấp cứu được 40 nạn nhân/1 giờ và triển khai thêm được 6 kíp mổ trong 1 lúc. Bệnh viện có Ban chỉ đạo điều hành đáp ứng khẩn cấp với thảm họa, lập kế hoạch đáp ứng, phổ biến kế hoạch cho cán bộ y tế và có kế hoạch đào tạo nhân lực, công tác diễn tập đáp ứng về chấn thương hàng loạt chưa thực hiện được. Thuận lợi và cơ sở vật chất đầy đủ, trang thiết bị hiện đại. Khó khăn chính là thiếu nhân lực, thiếu kinh phí, tài liệu về chấn thương hàng loạt và thiếu trạng thiết bị vật tư y tế với số lượng lớn. Các giải pháp bệnh viện cần xây dựng kế hoạch, phương án hoạt động cụ thể, tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ tài chính để tiến hành đào tạo, tập huấn, diễn tập, nâng cao kiến thức kỹ năng, đáp ứng với tình huống chấn thương hàng loạt của bệnh viện.