Xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) là một vấn nạn báo động ở cả Việt Nam và trên toàn thế giới. Theo thống kê của Bộ Công an, riêng năm 2018, cả nước đã xảy ra 1.269 vụ XHTDTE với 1.141 nạn nhân, chiếm 82% tổng số vụ xâm hại trẻ em. Đáng chú ý là số lượng vụ XHTDTE xảy ra trong không gian trường học chiếm tỷ trọng đáng kể - 6,2% tổng số vụ trong giai đoạn 20152018 và ngày càng có dấu hiệu gia tăng. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh là mối quan hệ quyền lực bất bình đẳng giữa giáo viên và học sinh tạo điều kiện cho giáo viên xâm hại tình dục học sinh dễ dàng cũng như ngăn chặn nạn nhân tố cáo. Chênh lệch về quyền lực giữa giáo viên và học sinh lại càng sâu sắc hơn đằng sau những cánh cổng trường đóng kín, như trường nội trú. Vì thế, việc phân tích mối quan hệ quyền lực này là rất cần thiết để có thêm những luận cứ vững chắc nhằm đề xuất các giải pháp hiệu quả nhằm hạn chế tình trạng trên. Trong khuôn khổ bài nghiên cứu, tác giả sẽ phân tích cơ chế vận hành hệ thống trường học đã tạo điều kiện cho việc hình thành và phát triển mối quan hệ quyền lực bất cân xứng này, và những tác động của nó tới rủi ro xảy ra xâm hại tình dục học đường cũng như khả năng lên tiếng của nạn nhân.