Được định hình lần đầu tiên vào cuối thế kỷ XIV trong Lĩnh Nam chích quái lục, Tây qua truyện (Truyện dưa hấu) đã trở thành một truyện có sức “tái sinh” mạnh mẽ trong văn học Việt Nam. Từ năm 1945 đến 1986, ở Việt Nam (tạm thời chưa kể miền Nam Việt Nam từ 1954 đến 1975), Tây qua truyện đã được “viết lại” (tái trứ tác) nhiều lần thông qua hoạt động sưu tầm và/ hoặc cải biên. Qua mỗi lần được viết lại như vậy, truyện lại khoác lên mình một diện mạo mới và chuyển tài một thông điệp riêng dưới sự chi phối của những diễn ngôn khác nhau. Lấy hiện tượng này làm trung tâm, bài viết tiến hành khảo sát, so sánh những văn bản viết lại ấy với Tây qua truyện và với nhau (cũng như với một số văn bản liên quan) để nhận diện những biến đổi của Tây qua truyện khi được viết lại trong giai đoạn này, sau đó kiến giải những biến đổi đó từ góc độ của một số lý thuyết phê bình văn học hiện đại. Đồng thời, từ trường hợp viết lại Tây qua truyện (và các văn bản phái sinh từ Tây qua truyện), bài viết sẽ chỉ ra những đặc điểm của hoạt động sưu tầm, cải biên truyện cổ tại Việt Nam từ năm 1945 đến năm 1986.