Ô nhiễm rác thải nhựa (RTN) hay “ô nhiễm trắng” đang là một vấn đề thách thức với các nhà quản lý môi trường tại Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Nghiên cứu này thực hiện thông qua phương pháp phỏng vấn cho bốn đối tượng là các hộ gia đình (246), hộ kinh doanh (60), hộ thu mua phế liệu (12) và cán bộ quản lý môi trường (12) tại sáu phường thuộc thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình. Kết quả cho thấy túi nilon được nhận định là thành phần RTN thải ra nhiều nhất trong ngày, tiếp theo là chai nhựa, cốc nhựa, ống hút, hộp xốp và các sản phẩm khác
trung bình người dân thải ra khoảng 14,23g/người/ngày RTN. Gần 58% người dân có thói quen phân loại rác nhưng mức độ làm thường xuyên chỉ đạt 36,5%. Gần 58% người được hỏi và trả lời không biết về tác hại của RTN, điều này cho thấy nhận thức về vấn đề này còn nhiều hạn chế. 61% người được hỏi lựa chọn giá thành rẻ hơn là yếu tố quyết định cho việc phổ biến hoá các sản phẩm nhựa thân thiện với môi trường. Từ các kết quả trên nghiên cứu đề xuất công tác tuyên truyền về tác hại của RTN, công tác phân loại RTN và sử dụng các sản phẩm túi thân thiện hơn với môi trường cần được khuyến khích và thực hiện hiệu quả hơn.