Các nhiên liệu hóa thạch khai thác từ vỏ Trái đất khi cháy trong động cơ đốt trong, động cơ phản lực để tạo ra năng lượng phát thải khí carbonic cùng các khí thải độc hại khác nên tác động xấu tới môi trường và bầu khí quyểncần hạn chế và thay thế bằng năng lượng tái tạo. Việt Nam đặt mục tiêu phát thải carbon ròng bằng không vào năm 2050 và đang thực hiện chuyển đổi sang các năng lượng mặt trời, gió, sinh khối, sóng biển.Pin nhiên liệu vi sinh là một hệ điện hóa tạo ra dòng electron bằng cách sử dụng các hợp chất hữu cơ làm chất khử và oxy trong không khí làm chất oxy hóa. Trong hai thập kỷ qua, pin nhiên liệu vi sinh (Microbial Fuel Cell - MFC) đã thu hút các nhà khoa học và công nghệ vì khả năng chuyển đổi trực tiếp năng lượng hóa học từ các hợp chất hữu cơ khác nhau thành năng lượng điện. Vì vậy, MFC là một cách hứa hẹn khai thác năng lượng từ sinh khối. Trong bài tổng quan này, một số kết quả của các phương pháp tiền xử lý sinh khối theo hướng thu hoạch năng lượng bằng MFC và các vi sinh vật được sử dụng trong MFC nhiên liệu sinh khối đã được trình bày. Ngoài ra, cách tiếp cận và thiết kế để cải thiện hiệu suất của MFC sử dụng sinh khối trong tương lai cũng được nêu. Bài tổng quan đánh giá hiệu suất và khả năng ứng dụng của các dòng chảy trong MFC dạng tổ ong, đồng thời cũng đánh giá hiệu năng hoạt động, ưu điểm và nhược điểm tương ứng, và các ứng dụng tiềm năng trong tương lai của MFC với dòng tuần hoàn.