Xác định các đặc điểm giải phẫu của dây chằng quay cổ tay và gian cổ tay mu tay. Đối tượng - Phương pháp nghiên cứu 30 cổ bàn tay từ 15 xác ướp formol. Nghiên cứu mô tả hàng loạt ca. Kết quả Chúng tôi đã thực hiện phẫu tích 30 cổ tay từ 15 xác ướp tại Bộ môn Giải Phẫu Đại học Y Dược TP. HCM, với độ tuổi trung bình 65,7 tuổi, tỉ lệ namnữ là 3,81. Tất cả các mẫu dây chằng quay cổ tay mu tay bám vào mặt lưng đầu dưới xương quay, xương nguyệt và xương tháp. 43,3% dây chằng quay cổ tay mu tay có thêm thành phần bên trụ, chiều dài bên quay trung bình là 32,1 mm, chiều dài bên trụ trung bình là 20,0 mm, chiều rộng bờ gần trung bình là 20,0 mm, bề dày trung bình là 1,1 mm, khoảng cách từ tâm diện bám xương tháp đến lồi củ Lister trung bình là 30,7 mm. Loại I dây chằng quay cổ tay mu tay theo phân loại Viegas chiếm tỉ lệ cao nhất, loại IV chiếm tỉ lệ thấp nhất. Dây chằng gian cổ tay mu tay có tỉ lệ diện bám với các xương khá thay đổi trong khi đó diện bám với xương thuyền, xương nguyệt và xương tháp là hằng định. Chiều dài trung bình dây chằng gian cổ tay mu tay là 48,8 mm, chiều rộng trung bình là 6,9 mm, bề dày trung bình là 1,0 mm. Phân loại dây chằng theo Viegas loại A chiếm 36,7%, loại B chiếm 50% và loại C 13,3%. Kết luận Dây chằng quay cổ tay mu tay có diện bám với các xương khá hằng định, thành phần bên trụ của dây chằng này không phải lúc nào cũng xuất hiện. Trong khi đó diện bám của dây chằng gian cổ tay mu tay khá thay đổi. Các loại của cả 2 dây chằng hiện diện với tỉ lệ khác nhau. Các chỉ số kích thước cũng như vị trí của 2 dây chằng là cơ sở tham khảo để các nhà lâm sàng sửa chữa cũng như tái tạo chúng.