Cho đến nay, trong sự phân loại cội nguồn các ngôn ngữ thuộc nhánh Katuic ở nước ta, việc xác định tư cách của tiếng Pa Cô, tiếng Tà Ôi, tiếng Pa Hi vẫn còn những ý kiến khác nhau. Bài viết của chúng tôi đặt vấn đề xem xét lại tư cách ngôn ngữ của các thứ tiếng này. Trên cơ sở so sánh từ vựng, tìm hiểu các xu hướng biến đổi ngữ âm (các cách tân ngữ âm) và ý thức tự giác ngôn ngữ, tự giác dân tộc, nguyện vọng của các nhóm địa phương thuộc dân tộc Tà Ôi, mục đích của bài viết là góp phần xác định thành phần ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Ngoài ra, kết quả của bài viết cũng là một trong những cơ sở khoa học để các cấp có thẩm quyền tham khảo khi giải quyết nguyện vọng xem xét lại thành phần dân tộc của đồng bào Pa Cô. Kết quả của nghiên cứu này một lần nữa khẳng định, các nhóm địa phương của dân tộc Tà Ôi hiện nay nói hai ngôn ngữ khác nhau ngôn ngữ Tà Ôi và ngôn ngữ Pa Cô (bao gồm cả tiếng Pa Hi).