Thuật ngữ hành hương đã trở nên quen thuộc trong hoạt động văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam. Trong bối cảnh đất nước đổi mới, hành hương thu hút các tầng lớp xã hội cùng tham gia, từ cá nhân tới đoàn/nhóm, đến những điểm văn hóa, lịch sử, thắng cảnh tâm linh nổi tiếng như chùa Hương, Yên Tử, chùa Ba Vàng, chùa Thầy, chùa Bà Tây Ninh... Hành hương - du lịch văn hóa tâm linh gồm các hoạt động tương tác của du khách từ thực hành nghi lễ, tham quan thắng cảnh, nghỉ dưỡng, mua sắm, ăn uống... đến ứng xử với môi trường tại điểm đến. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập, phân tích tư liệu thứ cấp, nghiên cứu thực địa, thống kê và thông qua phân tích tình huống điển hình tại chùa Hương, Yên Tử ở miền Bắc Việt Nam để nhận diện yếu tố tích cực, hạn chế trong hoạt động hành hương. Qua đó trình bày phác thảo nghiên cứu hành hương - hình thức du lịch văn hóa tâm linh tại các điểm “thiêng” bên cạnh nhiều yếu tố tích cực góp phần vào sự phát triển bền vững du lịch thì vẫn còn hạn chế trong ứng xử của du khách đối với hoạt động du lịch có trách nhiệm hiện nay.