Các sáng tác xuất bản trong vài thập niên giao thời hai thế kỷ XX và XXI như Ngục tình cảm (1991), Nhật quang lưu niên (1998), Kiên ngạnh như thủy (2001), Thụ Hoạt ( 2004), Đinh Trang mộng (2006), Tứ thư (2011), Nhật tức (2016)... đã đưa tác giả Diêm Liên Khoa (1958 -) đến với danh hiệu “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực phi lý” trong văn chương Trung Quốc đương đại. Đáp lại lời ca tụng, Diêm Liên Khoa từng nói đâu phải tác phẩm phi lý mà chính bản thân cuộc sống là phi lý. Câu nói của Diêm Liên Khoa nhuốm ý vị khiêm nhường và gợi chúng ta nhớ đến đại biểu hàng đầu của văn chương hiện sinh chủ nghĩa - Albert Camus khi văn hào này cho rằng thế giới hay con người không phải phi lý tự nó. Phi lý chỉ xuất hiện thông qua sự kết hợp của cả hai, khi mà sự không tương thích giữa con người và thế giới mà họ sống trong đó tạo nên sự phi lý của đời sống. Phi lý (absurdism) chính là luận đồ lớn của Chủ nghĩa hiện sinh. Bài viết của chúng tôi là một cố gắng tìm hiểu biểu hiện của cảm thức hiện sinh trong sáng tác của nhà văn này.