Đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản, là không gian phát triển và là nguồn lực to lớn của đất nước. Luật Đất đai hiện hành được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 6, thông qua ngày 29/11/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014, là đạo luật quan trọng trong quản lý nhà nước về đất đai, không chỉ tạo môi trường pháp lý ổn định minh bạch, mà còn góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng, chính trị an toàn xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như quyền lợi chính đáng của người dân. Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai, công tác quản lý đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên, thực tế triển khai công tác quản lý và sử dụng đất vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Do đó, việc sửa đổi Luật Đất đai là cần thiết nhằm phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.Hiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 (tháng 6/2023), với nhiều nội dung mới, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất
bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.