Trong mấy năm gần đây, Nghệ An đang đầu tư và thúc đẩy phát triển du lịch vùng dân tộc thiểu số ở miền núi, đặc biệt là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng. Du lịch được xem như là định hướng phát triển quan trọng, góp phần đa dạng hóa sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng miền núi. Mặt khác, du lịch cũng được chính quyền địa phương xem là một con đường đúng đắn để khai thác các nguồn lực tự nhiên và văn hóa, vốn là thế mạnh của vùng miền núi trong bối cảnh hiện nay. Nhất là phát huy giá trị của di sản văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số vào phát triển kinh tế. Dù được quan tâm đầu tư, nhưng nhìn chung, du lịch vùng dân tộc thiểu số ở Nghệ An vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất là trình độ, năng lực tiếp cận thị trường để phát triển du lịch của người dân bản địa vẫn còn thấp, nên hiệu quả còn chưa được cải thiện. Trong giai đoạn tới, để thúc đẩy sự phát triển của du lịch sau khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, thì cần phải nâng cao năng lực phát triển du lịch cho người dân. Bởi dù trong bối cảnh, lĩnh vực nào thì con người vẫn là nhân tố quan trọng và mang tính quyết định cho sự phát triển.