Nghiên cứu tiến hành trên 8 ô tiêu chuẩn bố trí tại 2 trạng thái rừng có Mạy chả phân bố tại huyện Điện Biên và Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Kết quả cho thấy tầng cây cao có các giá trị bình quân D1,3 dao động từ 11,95 cm đến 23,51 cm
Hvn từ 9,25 m đến 24,07 m
Hdc từ 4,72 m đến 15,81 m và Di từ 2,70 m đến 7,42 m
mật độ tầng cây cao dao động từ 200 cây/ha đến 380 cây/ha. Chất lượng cây rừng có số cây tốt chiếm tỷ lệ khá cao. Rừng tái sinh sau nương rẫy cây sinh trưởng tốt hơn ở rừng phục hồi thường xanh. Tổ thành tầng cây cao khá đa dạng và phong phú, đa số là các loài cây ưa sáng với các loài cây phổ biến như Dẻ trắng, Vối thuốc, Hu đay và Ba soi. Độ tàn che tầng cây cao dao động từ 0,3 đến 0,9 trong đó độ tàn che của tầng cây cao của trạng thái rừng tái sinh sau nương rẫy thấp chỉ từ 0,3 đến 0,4 còn độ tàn che ở trạng thái rừng thường xanh khá cao, đạt từ 0,8 đến 0,9. Tổng tiết diện ngang tầng cây cao dao động từ 9,0 m2/ha đến 52,0 m2/ha và có sự khác nhau giữa hai địa điểm nghiên cứu. Các trạng thái rừng có trữ lượng dao động từ 37,3 m3/ha đến 563,33 m3/ha. Các trạng thái rừng có trữ lượng rất đa dạng, từ rừng nghèo kiệt đến rừng giàu. Tại huyện Điện Biên tổng tiết diện ngang và trữ lượng rừng ở cả hai trạng thái rừng đều cao hơn các giá trị này tại huyện Điện Biên Đông.