Độ bão hòa nước (Sw) là thông số vỉa quan trọng cần xác định để xây dựng mô hình địa chất, mô hình khai thác và tính toán trữ lượng. Một số mô hình xác định thông số Sw cho kết quả không phù hợp hoặc khác biệt rất lớn so với thông số Swi xác định từ mẫu lõi. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm xác định mô hình tính toán độ bão hòa nước tối ưu nhất cho các vỉa chứa tầng Miocene phía Đông Bắc bể trầm tích Cửu Long, Việt Nam. Các tài liệu giếng khoan được sử dụng cho các mô hình gồm tài liệu địa vật lý giếng khoan (wireline logging) được kết hợp với tài liệu địa chất, mẫu lõi để hiệu chỉnh kết quả tính hàm lượng sét, độ rỗng và cuối cùng là độ bão hòa nước áp dụng cho cùng các thông số đầu vào liên quan như mật độ xương đá, mật độ dung dịch khoan, điện trở vỉa sét, điện trở dung dịch... cho các mô hình. Tầng chứa Miocene gồm các tập cát kết xen kẹp với các vỉa sét (shale). Bản chất của các tập sét này là kết quả lắng đọng của khoáng vật sét (clay) và sét bột (silt) trong môi trường năng lượng thấp. Khoáng vật sét là thành phần chủ yếu với kích thước hạt rất nhỏ nên sức căng bề mặt lớn, có khả năng bắt giữ các phân tử nước trên bề mặt (water-bound) chứa các cation. Như vậy, độ dẫn điện hay điện trở suất sẽ được đóng góp chủ yếu bởi 2 thành phần là điện trở suất của nước vỉa (Rw) và điện trở suất của nước trên bề mặt sét (Rwb). Kết quả tính toán độ bão hòa nước tại tầng Miocene cho thấy độ bão hòa nước tính bằng mô hình Dual-water có giá trị tiệm cận nhất với giá trị độ bão hòa nước ban đầu trong vỉa (Swi) so với kết quả của các mô hình Simandoux, Indonesia và mô hình Archie. Từ cách tiếp cận trên, kết quả của nghiên cứu này có thể áp dụng cho minh giải tầng chứa Miocene ở phía Đông Bắc bể Cửu Long, Việt Nam.