Sông Hồng - Thái Bình đổ ra biển qua 9 cửa sông gồm: sông Đá Bạch, Cấm, Lạch Tray, Văn Úc, Thái Bình, Trà Lý, Hồng, Ninh Cơ và sông Đáy. Vùng hạ du chịu ảnh hưởng của thủy triều vịnh Bắc bộ vì vậy trong mùa cạn, khi dòng chảy từ thượng lưu về giảm, thủy triều ảnh hưởng mạnh dẫn đến xâm nhập mặn càng lấn sâu hơn vào trong lục địa gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước ở khu vực hạ du các sông. Theo các số liệu quan trắc, xâm nhập mặn trong khu vực thường diễn ra cao điểm vào các tháng mùa kiệt 1, 2, 3 hàng năm. Việc mặn xâm nhập sâu vào trong sông đã gây ra các tác động tiêu cực đến hoạt động lấy nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của các địa phương vùng hạ du đồng bằng sông Hồng - Thái Bình. Các kết quả nghiên cứu đã chi ra rằng, diễn biến xâm nhập mặn phụ thuộc vào nhiều yếu tố tác động, trong đó các nguyên nhân chính thường là do sự suy giảm lượng dòng chảy từ thượng lưu về, do tác động của mực nước thủy triều,... ngoài ra còn phụ thuộc vào đặc điểm địa hình lòng dẫn, các hoạt động lấy nước trên sông và đặc biệt là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Dựa vào số liệu thực đo và các kết quả tính toán mô phỏng về xâm nhập mặn trên mô hình toán thủy lực truyền chất 1-2 chiều MIKE 11 và MIKE 21 HD-AD, đã tiến hành các phân tích và phân cấp độ tác động của từng yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến xâm nhập mặn ở vùng hạ du sông Hồng - Thái Bình.