Đá móng carbonate tuổi Paleozoic khu vực tây bắc bể Sông Hồng trong những năm gần đây đã khai thác được dòng dầu có giá trị thương mại. Đây là đối tượng đang được quan tâm của các công ty trong hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí. Tuy nhiên, đá móng carbonate khu vực này chưa được nghiên cứu chi tiết về đặc tính thạch học và sự biến đổi sau trầm tích. Vì thế, nội dung của bài báo này chủ yếu tập trung phân tích và nghiên cứu chi tiết về thành phần thạch học nhằm xác định tướng đá carbonate cũng như sự biến đổi sau trầm tích.Các tướng đá carbonate ở phía đông bắc vùng nghiên cứu là đá vôi kết tinh, đá vôi packstone, đá vôi wackestone và đá bùn vôi, chúng hiếm khi bị dolomite hoá. Ở phía tây bắc của vùng đa phần là tướng đá vôi kết tinh và đá vôi packstone. Đá vôi trong khu vực bị biến đổi mạnh, tạo thành đá dolomite do ảnh hưởng của hoạt động núi lửa. Khối đá móng carbonate bị nén ép và hoà tan tạo thành kiến trúc kiểu dạng đường khâu và các dạng lỗ rỗng: lỗ rỗng nứt nẻ, lỗ rỗng hoà tan và lỗ rỗng giữa các khoáng dolomite.Trên cơ sở kết quả phân tích thạch học và đối sánh với kết quả phân tích foraminfera cho thấy, đá móng carbonate ở khu vực nghiên cứu được lắng đọng trong môi trường trầm tích biển nông.Từ khóa: bể Sông Hồng, biến đổi sau trầm tích, đá carbonate, môi trường trầm tích, tướng thạch học.Chỉ số phân loại: 1.5