Ô nhiễm chì gia tăng cùng với sự phát triển của công nghiệp gây ra những tác hại nghiêm trọng tới con người cũng như hệ sinh thái. Ứng dụng công nghệ xử lý môi trường bằng thực vật (phytoremediation) có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm chì cũng như các kim loại nặng khác một cách kinh tế, an toàn và thân thiện môi trường. Nghiên cứu này đã sử dụng phương pháp Real-time PCR phục vụ đánh giá biểu hiện gen chống oxy hóa SOD, GPX và GST trên cây phát tài (Dracaena sanderiana), một loại cây có khả năng chống chịu và tích lũy chì cao trong điều kiện nhiễm độc chì. Kết quả sau 24 giờ xử lý với Pb(NO3)2, nồng độ 1000 ppm đã có sự tăng cường mức độ biểu hiện các gen SOD, GPX và GST trên cả 3 bộ phận rễ, thân và lá của cây phát tài. Sự thay đổi biểu hiện từng gen khác nhau trên từng bộ phận cũng đã được ghi nhận, mức độ biểu hiện gen SOD tăng cao ở thân, trong khí đó gen GPX và GST tăng cường biểu hiện ở rễ. Gen GPX chỉ gia tăng biểu hiện trong giới hạn 2-24 giờ sau khi xử lý Pb(NO3)2 trên đa số các mẫu. Ba gen chống oxy hóa trong nghiên cứu đã tăng cường biểu hiện đáp ứng với chì nên rất có thể sản phẩm của chúng đóng vai trò quan trọng trong cơ chế thích nghi và tích lũy chì của cây phát tài, góp phần mở ra tiềm năng nghiên cứu ứng dụng cây phát tài cũng như các loài thực vật trong xử lý môi trường nhiễm độc chì hiệu quả.