Trong nghiên cứu này, tác giả vận dụng mô hình AMO để đánh giá hành vi gian lận trách nhiệm bảo hiểm xã hội của người sử dụng lao động tại tỉnh Đồng Tháp. Tác giả áp dụng mô hình AMO để kiểm định mối quan hệ của 3 thành phần (khả năng, cơ hội, động cơ) với hành vi gian lận. Trong nghiên cứu này nhóm tác giả thu thập dữ liệu bằng hình thức chọn mẫu thuận tiện với 350 phiếu được phát ra (sau khi giải thích rõ với người được mời tham gia khảo sát về mục đích nghiên cứu và cam kết bảo đảm sự bí mật về thông tin mà họ cung cấp). Kết quả thu về được 248 phiếu trả lời hợp lệ (68,9%). Tác giả sử dụng phương pháp kết hợp định tính và định lượng với các công cụ như kỹ thuật thảo luận nhóm, phân tích độ tin cậy Cronbach's Alpha, EFA, CFA, SEM. Kết quả nghiên cứu cho thấy cả cơ hội và động cơ tác động trực tiếp có ý nghĩa thống kê tới hành vi, trong khi đó biến khả năng không có tác động trực tiếp nhưng có tác động gián tiếp thông qua biến trung gian cơ hội.