Nghiên cứu về thành phần loài cua trong hệ sinh thái rừng ngập mặn huyện Hậu Lộc được thực hiện vào 12/2020 tại 19 điểm đại diện cho các sinh cảnh trong khu vực nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu đã xác định được 26 loài giáp xác thuộc phân bộ cua trong khu vực HST RNM huyện Hậu Lộc. Các loài trong đó thuộc 19 giống, 8 họ. Họ có nhiều loài nhất là họ cáy rừng Sesarmidae với 7 loài thuộc 6 giống, tiếp đến họ dã tràng Dotillidae và họ cua rạm Varunidae đều có 5 loài thuộc 4 giống. Các họ còn lại đều có 1 giống (từ 1-3 loài). Các họ Sesarmidae, Dotillidae và Varunidae đều là các họ đặc trưng, điển hình cho các HST RNM ven biển ở Việt Nam. Đã ghi nhận mới sự có mặt của loài Cáy đỏ (Neosarmatium smithi), Cáy maipo (Perisesarma maipoensae), cáy tròn (Sarmatium germaini), cáy lông (Chiromantes dehaani), ... Các loài gặp ở đây chủ yếu đều là những loài phân bố rộng như Perisesarma bidens, Parasesarma plicatum, Metaplax elegans, Metaplax longipes, Macrophthalmus tomemtosus,... Tại các bãi trống ngoài RNM về phía biển chủ yếu gặp các loài mày mạy (Metaplax elegans), sà sạ (Macrophthalmus tomemtosus), các loài trong họ dã tràng (Dotillidae) như cua lính, dã tràng lớn, dã tràng nâu, vái trời
Sinh cảnh rừng thấp mới trồng, cây thưa bắt gặp một số loài như Metaplax elegans,...
Trong RNM gặp chủ yếu là các loài cáy Perisesarma bidens, Parasesarma plicatum,...
Sinh cảnh rừng trồng lâu năm, nền đáy cao hơn, độ che phủ lớn hơn thường xuất hiện các loài có kích thước lớn như cáy đỏ (Neosarmatium smithi), cáy tròn (Sarmatium germaini),...
Sinh cảnh bãi cao ven rừng ngập mặn thường xuất hiện các loài cua đào hang sâu trên nền đất cứng như cù kỳ (Helice latimera), Perisesarma maipoense, Chiromantes dehaani, Uca arcuata,...