Những năm gần đây hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong nước có những bước phát triển mạnh, theo hướng hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các công trình có tính kết nối, lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là một số tuyến đường cao tốc đã được xây dựng đáp ứng nhu cầu thực tế như tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (29km), Cầu Giẽ - Ninh Bình (50km), Nội Bài Lào Cai (264km), Hà Nội - Thái Nguyên (63,8km), TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (39,8km), TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (55km) và tuyến nối Nội Bài - Nhật Tân (khoảng 15/21km). Song, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam vẫn chiếm một tỷ lệ không đáng kể so với mạng lưới giao thông quốc gia. Hơn nữa so với các yêu cầu và một số tiêu chuẩn về thiết kế, một số tuyến đường cao tốc đã hoàn thành còn chưa đạt chuẩn. Quá trình đầu tư xây dựng và quá trình khai thác các dự án đường cao tốc này phát sinh nhiều vấn đề chưa có trong tiền lệ vì đường cao tốc có những đặc điểm không giống các loại đường bộ thông thường. Do vậy, nghiên cứu đánh giá các nhân tố ảnh hưởng, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng khai thác đường cao tốc (ĐCT) là một vấn đề cần được xem xét.