Hoạt động thương mại luôn tiềm ẩn mâu thuẫn trong quá trình mua bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ. Bên cạnh việc quản lý và phòng ngừa rủi ro ngay từ giai đoạn đàm phán, soạn thảo hợp đồng, các bên cần chủ động đưa ra quyết định phù hợp trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển môi trường kinh doanh lành mạnh, cần kiến tạo phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án thích hợp, đó là trọng tài thương mại. Trải qua các giai đoạn lịch sử, trọng tài thương mại đã và đang góp phần không nhỏ vào sự ổn định của hoạt động kinh doanh thương mại. Qua quá trình 10 năm phát triển, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 (Luật TTTM) đã tạo ra khung pháp lý khá thuận lợi cho trọng tài thương mại tại Việt Nam khi khắc phục được hạn chế của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 và tiếp thu nhiều nguyên tắc quan trọng, có ý nghĩa của Luật Mẫu về trọng tài thương mại quốc tế. Tuy vậy, Luật TTTM cũng phát sinh một số hạn chế trong quá trình áp dụng khiến quá trình giải quyết tranh chấp gặp một số trở ngại nhất định. Từ việc phân tích thực tiễn và đánh giá khách quan, bài viết đưa ra một số ưu điểm và hạn chế khi áp dụng Luật TTTM. Đồng thời, một số kiến nghị cũng được đề xuất nhằm hoàn thiện hơn quy định pháp luật, thuận lợi hóa quá trình giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại.